Lòng buồn theo những sợi mưa

Sáng nay nhắn với mưa phùn

Đã lập xuân rồi cơ đấy

Bên hiên nhà xưa vẫn vậy

Xanh non nỗi nhớ một người…

16472976_1269657306453510_5242851651077520586_n

Mắt đào nhú những mầm xanh, rét mướt về theo mưa phùn găm lên mái phố. Hơi thở phả ra không khí lạnh căm trắng một vệt dài. Chậu cúc vàng đã bung nụ nghinh xuân. Hương thơm của mùi bánh cốm, mùi trầm quện vào nhau khiến lòng chộn rộn. Đưa tay vặn lớn chiếc radio để nghe rõ hơn giai điệu: Anh cho em mùa xuân/ Mùa xuân này tất cả/ Lộc non vừa trẩy lá/ Lời thơ thương cõi đời/ Bầy chim lùa vạt nắng/ Trong khói chiều chơi vơi…[1].

Cảm giác vắng người mình yêu thương, bên cạnh trong những ngày xuân sang, khiến lòng chùng xuống, tiếc nhớ những mùa cũ đã qua. Con người ta kể cũng lạ thật, lúc vui nhất có khi lại là lúc buồn nhất. Và ở trường hợp nào đó, buồn quá cũng hóa  niềm vui. Khi sự yêu thương đã trở thành thường trực trong lòng, thì dù ở bất cứ nơi đâu, lúc nào, vui buồn ta đều hướng về người ấy.

Như sáng nay đây, mùa xuân đã về bên hiên, tưởng rằng ta sẽ vồ vập, sẽ nhảy cẫng lên với cái thiên nhiên đang giao mùa tươi mới. Vậy mà lòng buồn theo những sợi mưa.

Đặng Thiên Sơn

[1] Trích lời bài hát Anh cho em mùa xuân – nhạc Nguyễn Hiền – lời thơ Kim Tuấn.

Rút từ: Ngồi chơi với phố, NXB Hội Nhà văn 2016. 

Ngồi chơi với phố

Phố đang mùa họa mi bung sắc trắng

Nắng hanh vàng hoe hoắt lối người qua

Dăm ba vụn buồn còn sót lại

Chẳng đủ lai rai hết buổi chiều.

 

ppNhững ngày nắng, ngày mưa nghêu ngao qua thành phố này, thấy lòng bình yên đến lạ. Nhiều khi để trọn một niềm vui phải mở hết lòng mình mà đón nhận từ những cái nhỏ nhặt như nhành hoa, ngọn cỏ, đến những thứ không gọi được thành hình hài như điều ước, sự đợi chờ mòn mỏi… Nhiều khi để sống đến tận cùng nỗi buồn phải bước đi trong một đêm mưa gió, phải ngồi một mình ở góc hoang vắng nào đó trong cái lạnh co ro… Nhiều khi để hiểu hết lòng nhau bạn bè phải có nhiều ngày đó đây cà phê, chém gió… Nhiều khi để nắm chặt một bàn tay phải có những ngày bước bên nhau trên dặm dài yêu đương nhung nhớ… Nhiều khi để hàn gắn một vết thương lòng, làm lành một lời trách móc phải có những thứ tha bất ngờ, hào phóng… Nhiều khi để tri ân được những bậc sinh thành nuôi dưỡng, phải có những phút giây yêu thương, gối đầu lên phố mà ngẫm nghĩ, nghiệm suy. Nhiều khi, để có thời gian hoài niệm về những tháng ngày đã đi qua phải la cà phố xá…  

Có một điều ai cũng nhận ra, đó là chúng ta không thể cứ sống cô độc mãi trên đời. Chẳng ai vui hết ngày này qua tháng khác, chẳng ai buồn ủ dột suốt một đời u mê. Trời hết mưa lại nắng. Ngày hết sớm lại trưa. Lòng người hết buồn lại vui. Đó là quy luật muôn đời nay vẫn vậy. Như cây kia rụng lá lại đâm chồi. Như hoa kia nở rồi héo úa. Mùa này nối tiếp mùa kia. Thời gian vẫn chảy trôi không bao giờ ngừng nghỉ. Người đến, người đi là lẽ thường tình.

Rồi mai đây, có thể một bình minh nào đó không còn ta tồn tại trên cõi đời. Thì tiếng chim vẫn hót líu lo, hoa vẫn tỏa hương khoe sắc dưới nắng mai thơm lành. Người người vẫn cười nói bên nhau. Đó là điều hiển nhiên, vì quy luật của tự nhiên là vậy. Nên những ngày còn tồn tại trong đời sống này, hãy tận hưởng và nâng niu lấy nó. Đừng oán trách ai để lòng thêm dằn vặt. Đừng tham lam quá mà lao tâm khổ tứ. Đừng buông thả quá để rồi lại xót xa. Đừng xa hoa quá lúc nghèo túng không có chốn để về. Đừng u mê quá rồi nhận về những ê chề đáng tiếc. Điều ấy có trong tất cả các giáo điều, mà những nhà hằng pháp đã lan tỏa cho hàng triệu tín đồ của mọi tôn giáo.

Khi hát được thì mình cứ hát. Dù đó chỉ là những lời nghêu ngao, chưa chuẩn về nhạc lý và giai điệu. Bởi tiếng hát cất lên là lòng đã thong dong lắm rồi. Không phải ai cũng được ban phước lành, để làm ca sĩ nên đừng thấy mình hát dở mà buồn. Khi vui được thì mình cứ vui, vì niềm vui lan tỏa làm cho cuộc sống đáng yêu lên nhiều lắm. Khi khóc được thì cứ khóc, nước mắt không có sẵn nhưng cũng chưa cạn bao giờ. Khi mơ được thì mình cứ mơ, không có ước mơ thì làm sao có những tháng ngày hiện thực. Đừng ngồi rưng rức ở một góc tối nào đó, mà bỏ quên đi phận sự làm người, là phải yêu đương và nhung nhớ. Đừng bơ vơ một mình, khi bên cạnh vẫn còn có người lại qua. Đừng nói ra những điều mà chính lòng mình không thích. Bớt địch sẽ bớt thù. Bớt sân si lòng người sẽ nhẹ như tơ lụa. Không phải ai sinh ra trong đời cũng sung sướng. Nên mọi người hãy nương tựa vào nhau, giúp đỡ nhau để vượt qua và nếm trải cuộc sống muôn màu. Có những ngày khổ đau mới thấy thương những ngày lành lặn. Có những ngày cằn nhằn mới quý tiếng cười vui. Có những ngày tối thui mới nhớ nhung những ngày ngập tràn ánh sáng. Có những ngày lãng mạn mới thấy đời mình còn ngây thơ…

Phố bây giờ đang mùa họa mi. Ngồi một mình nơi quán quen lan man với những điều sáo mòn để dặn lòng mình không được từ bỏ, không được chán ghét cái thân thể mình. Hãy yêu lấy mình nhiều hơn trước khi đi yêu người khác. Bởi mình có lành hiền, có khỏe mạnh, có sáng trong thì mới có quyền để mà yêu thương người khác, mới có quyền rỉ rả với người khác những điều này, điều kia.

Còn gì vui hơn khi ngồi chơi với phố. Bởi trên hành trình sống nhiều bon chen, nơi thị thành xô bồ huyên náo này có được những giờ phút rảnh rang thì quý hơn vàng, để mà nhấm nháp những gì mình cóp nhặt được đó đây; để kịp gặp người này người nọ; để kịp buông tay, nắm tay trong nuối tiếc, vui mừng. Có ai đó từng nói: “Sống là không chờ đợi”. Cóó ai đó lại nói: “Muốn nhanh thì phải từ từ”. Vậy nên, nhanh chậm cũng phải tùy vào từng nơi, từng lúc. Có lúc phải rướn mình mà vượt qua những khó khăn, thử thách. Nhưng cũng có lúc phải chững lại để xem xét, quyết định cho đúng đắn trước khi hành động một vấn đề. Buồn thì bỏ phố về quê chơi dăm ba bữa. Thừa ra chút thời gian nào hãy đến với phố nghêu ngao. Chợt lại thương thương những bông họa mi đang ngang qua phố. Đời hoa đang vui đến góc bàn này, gác nọ. Nhưng rồi mốt mai hoa lại về với đất. Đời người được mấy mùa hoa?

Đặng Thiên Sơn

Dưới tán bằng lăng…

banglang052wNếu không gặp lại Lan, không lang thang dưới tán bằng lăng dài tít tắp trên phố chiều nay thì chẳng cớ gì khiến mình nhớ da diết cây bằng lăng già nua, xù xì phía đầu hồi dãy nhà cấp bốn xập xệ mà mỗi buổi trưa chúng mình vẫn thường nô đùa dưới gốc của nó.

Lan vừa xuống sân bay Nội Bài đã nhắn tin để mình bố trí thời gian gặp gỡ, chuyện trò. Bạn bè cùng xóm với nhau mà giờ kẻ Tây người Việt, cách lế địa lí nên phải hẹn đến năm lần bảy lượt mới gặp được. Chẳng bù cho ngày xưa, chỉ cần ới nhau một tiếng, đứa nào đứa ấy đã nhanh nhảu tụm năm tụm ba dưới tán bằng lăng nô đùa đến quên trưa, quên chiều. Đúng là cơm áo gạo tiền đã khiến cho bạn bè dù có thân nhau đến mấy cũng không thể bước bên nhau như những buổi chăn trâu, cắt cỏ, tan trường…

Dường như cá tính của Lan vẫn không mấy thay đổi, nhí nhảnh, lanh chanh, hài hước và khi khóc thì hô hố như là trời sắp sập đến nơi. Có lẽ, cái lần Lan khóc dưới tán bằng lăng đã khiến mình nhớ tiếng khóc của Lan lâu đến vậy. Hôm ấy, phải mất cả buổi trưa Lan mới hái được một bó bằng lăng. Chẳng hiểu sao mình lại đem bó hoa Lan vừa hái được nhúng vào chiếc thau nhôm đầy nước để cạnh bên thành giếng mẻ? Hoa bằng lăng rời khỏi cây là đã héo, lại được tắm ngập trong chậu nước thì nhàu nát đến tàn tạ. Lan hận mình từ cái trưa hôm ấy. Để rồi rã một nhóm chơi. Cây bằng lăng cô đơn suốt cả một mùa nắng.

Nếu Hoa không thì thầm vào tai mình một bí mật mà Lan chỉ “bật mí” với Hoa thì mình sẽ vô tâm đi qua bó bằng lăng ướt nhèm của buổi trưa hôm ấy, không mảy may ân hận, day dứt đến giờ. Theo như Hoa kể thì mẹ Lan rất thích hoa bằng lăng. Khi mẹ Lan chưa bỏ bố con Lan đi theo người đàn ông khác, đêm đêm bà vẫn kể cho Lan nghe những kỉ niệm tình yêu của hai người. Trong đó có chuyện bố Lan đã cầu hôn mẹ Lan bằng một bó hoa bằng lăng. Và buổi trưa hôm ấy, vì nhớ mẹ rồi Lan tưởng tượng mẹ sẽ trở về để cầu hôn bố một lần nữa. Nên Lan đã gom những bông bằng lăng đầu mùa đặt dưới tán cây, ngồi mơ ước.

Sự vô tình của gã trai chín tuổi đã khiến cho giấc mơ của cô bạn láng giềng vỡ vụn, hằn sâu vào trái tim hồn nhiên, trong sáng, tưởng chừng như không bao giờ được thứ tha. Cũng may mùa bằng lăng năm sau gã trai đã lên mười, nghe lời mách nước của Hoa mà gom trước một bó bằng lăng tặng Lan để chuộc lại lỗi lầm suốt một năm dài hai đứa không giáp mặt. Để rồi nhóm bạn lại thân nhau, cùng nhảy lò cò, chơi u, đánh đáo…

Chiều nay nhắc lại bó hoa bằng lăng năm nào, Lan nhìn mình rồi cười hiền đến lạ. Lan là thế, ngay cả lúc giận hờn cũng rất đáng yêu. “Ông nhớ gì dai thế. Ai thèm để bụng cơ chứ!” – Lan nói rồi lặng thinh. Ừ thì bạn bè với nhau nhắc để có cớ mà bắt đầu một cuộc chuyện. Chứ biết nói gì khi đã mười năm biền biệt? Chẳng lẽ lại hỏi nhau, lương bạn bây giờ bao nhiêu? Lỡ bạn có đang khó khăn trong công việc thì sẽ làm tổn thương bạn lắm. Chồng con bạn thế nào? Xẩy đâu bạn chưa sinh được con hay mới li hôn với chồng thì cuộc hạnh ngộ còn gì vui đâu! Những chuyện đời tư, tốt hơn cứ để bạn mở lòng khi bạn cảm thấy cần mình mà chia sẻ. Còn đâu, bạn bè gặp nhau cứ tán dóc cho sướng miệng, đã đời.

Từ bó hoa bằng lăng mà đến cạn một cữ cà phê, đi hết một con phố dài vẫn chưa hết chuyện. Thế mới biết không gì giàu có bằng kỉ niệm. Kỉ niệm là thứ chỉ có nhiều thêm chứ không ít đi trên hành trình sống của mỗi người. Mà có lẽ kỉ niệm của những năm tháng tuổi thơ là lung linh nhất! Càng lớn lên, càng xa tuổi thơ bao nhiêu thì những kỉ niệm của thời ấu thơ lại càng hằn sâu vào trí nhớ chúng ta bấy nhiêu. Chẳng vậy mà người già hay nói nhiều về những năm tháng tuổi trẻ. Những ai có một tuổi thơ đẹp thì thường cũng sẽ có một cuộc đời lành hơn. Lan và mình cùng đám bạn láng giềng đã có những tháng năm tuổi thơ đáng nhớ. Giờ gặp lại nhau thứ kỉ niệm ấy đã làm hồi sinh một tình bạn chân tình, giản dị mà lâu lắm rồi giữa biển người nghìn nghịt mình cũng không tìm đâu ra cái cảm giác ấy.

Mười năm tất tả bon chen giữa dòng đời, hai đứa mới có một buổi chiều thảnh thơi để mà ôn cố tri tân. Nấn ná mãi mới nói được lời chia tay trong chiều chạng vạng. Len lỏi trong tiếng thở dài biệt li là miền tuổi thơ xa ngái, rưng rưng trên hai ngả đường.

Đặng Thiên Sơn

ĐI NGANG QUA THÁNG NĂM

son

 

 

 

 

 

 

 

 

Gánh gồng trên vai những lo toan
Đi ngang qua tháng Năm bỏng rát
Buồn – vui lẫn lộn
Khuôn mặt rộ lên như chiếc đùi gà KFC
Không cảm xúc
Không cảm giác
Nhạo nhoẹt một lớp bột mì…

Chợt nhớ về một miền cỏ cháy
Nơi những con kiến chui lên từ đống tro tàn
Bóng nhẫy
Móng chân bò làm chúng đứt đôi đứt ba
Vài cái chân còn ngoe nguẩy
(Thấy mình chẳng khác nào cái chân con kiến).

Đi ngang qua tháng Năm
Gặt về mình khô khốc những yêu thương hờn giận
Vô cớ đến bực mình
Linh ta linh tinh rối ren như canh hẹ…

Đi ngang qua tháng năm
Mùa bằng lăng tím ngắt
Mùa lục bình tím ngắt
Mùa chân đồi tím ngắt
Mùa lòng người tím ngắt…

Tả tơi sau cái nắng cuối ngày.

2 giờ 30 – 13/05/15/ Đặng Thiên Sơn

Tình tự đêm sông Hồng

song hong

 

 

 

 

 

 

Bên kia bờ thành phố

Xòe như một đóa hoa

Sau lưng mình rơm rạ

Ấm êm những nếp nhà

 

Luồn tay qua nỗi nhớ

Sóng vỡ òa qua nhau

Sông Hồng như ngưng chảy

Chúng mình thành phù sa

 

Hình như cây nghiêng ngả

Hình như trăng la cà

Hình như trên mặt nước

Có một vì sao sa!

Đặng Thiên Sơn

O Lan Hòn Vọng


olan4Tôi lớn lên đã thấy o Lan Hòn Vọng. O bị ngơ từ khi còn trẻ nên người ta còn gọi o với cái tên khác là o Lan Ngơ. O thường ngủ ở lò vôi, lò gạch hoặc góc nhà kho hợp tác xã. Cứ hễ nghe ở đâu có loa đám cưới, kèn trống đám ma là ở đó o xuất hiện. O đến ngồi trước ngõ, không quậy phá, không trêu ghẹo ai, đến khi chủ nhà ra cho một nắm cơm thì đi. Từ nhỏ cho đến khi lớn lên rời quê đi học đại học, tôi đã có nhiều lần chạy bán sống bán chết vì gặp o.

Một đêm mùa thu, tôi theo cha đi chiếu phim ở sân kho hợp tác xã. Hết phim, cha tôi đánh trâu chở đồ đạc về nhà, tôi được cha cho ngồi sau thùng xe. Lúc xe đi qua ngã ba ông Nghi, tôi trông thấy một bóng người chui ra từ bụi hóp, đầu tóc bù xù, áo quần rách rưới… Hồn vía tôi lúc ấy đã lên mây, khóc không nên tiếng, nhảy xuống khỏi thùng xe chạy một mạch thẳng cẳng về nhà trùm chăn kín mít, mồ hôi hột toát ra như mưa. Sau khi tháo càng xe, cha tôi vào hỏi sự tình, tôi ú ớ như một thằng ngọng. Cha bảo, o Lan chứ ai mà mày nhát gan thế. Lúc ấy, tôi mới hoàn hồn.

Cũng lại là o Lan, khiến tôi phải khâu ba mũi ở chân vì cái gọng đờ bu đâm phải. Hôm ấy, tôi và thằng Lợi cùng xóm đi học về tối, vừa thả dốc Máy Cày, từ dưới mương thoát nước sát mép đường xuất hiện một bóng đen, mang trên mình nào lá cây, bao ni lông rách, đang bò lên. Đang trên dốc vắng, khu vực ấy lại nhiều lăng mộ nên trong đầu tôi nghĩ ngay đến ma, thế là ba chân bốn cẳng lao xe vun vút không còn biết trời đất là gì. Khi tôi ngã lăn quay ra đường thì thằng Lợi cũng vừa lao tới. Tôi cúi xuống gỡ ống quần mắc phải gọng đờ bu thấy tay ươn ướt, đưa lên sát mắt thì nhìn thấy máu. Tôi và thằng Lợi vừa sợ vừa lo, tay run run băng bó vết thương. Anh Thuận học khóa 12 đi sau chúng tôi, nhìn thấy hai thằng hì hục băng bó vết thương, anh vừa la vừa phì cười: “Vừa gặp o Lan chứ gì?”. Mới vào học lớp 10 mấy hôm nên chúng tôi không biết đó là chỗ trú ngụ của o Lan. Anh Thuận đốt lá chuối rắc vào vết thương của tôi cầm máu, ba anh em lóc cóc đạp xe về trạm xá.

Không những tôi mà nhiều người đi soi đêm quê tôi đã phải vứt giỏ, vứt đèn tháo chạy vì gặp o giữa đêm tối mịt mùng. Nhiều người còn không dám bước ra khỏi nhà vào ban đêm vì trót gặp o một lần. Nhất là trẻ con quê tôi mỗi lần khóc nhè, người lớn chỉ cần nhắc tới cái tên o Lan là chúng nín bặt…

Hôm rồi về quê thăm mẹ, tôi nhìn thấy o Lan, bỗng reo lên: “Mẹ ơi! O Lan vẫn còn sống!”. Mẹ tôi cười hiền và bảo: “Số o trời cướp đi tính người nhưng lại cho sức khỏe. Bao năm rồi o ăn sương nằm gió mà sức khỏe vẫn không hề hấn gì”. Theo những người lớn tuổi quê tôi thì chắc o Lan năm nay đã bước sang tuổi 70, cái tuổi xưa nay hiếm. Vậy mà, hầu như chưa có con đường nào ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… mà o chưa qua. Các chợ lớn như: Dinh Si, Phủ Diễn, Yên Lý, Giát… cho đến các chợ nhỏ như: Sàng, An, Tân, Mõ, Tảo, Chùa… đâu o cũng đặt chân tới. Và những chợ ấy đã nuôi o sống ngày này qua tháng khác.

Những con người như o Lan Hòn Vọng quê tôi dường nhưng nơi nào cũng có. Số phận họ tuy không may mắn như người đời. Thế nhưng, họ lại là những người khiến ta mỗi lần nhớ về quê hương ta không quên được họ. Hay nói khác đi mỗi lần nghĩ về họ ta lại thêm yêu quê hương.

 Đặng Thiên Sơn

Trống trường…

Bản tin Trường THPT Bắc Yên Thành

Bản tin Trường THPT Bắc Yên Thành

Khi những chiếc lá bàng kết thảm trên những lối đi, tháng mười một lại về. Trời ngớt mưa. Dọc ngang các cung đường thành phố thấp thoáng tà áo dài nữ sinh bay bay trong gió. Lòng tôi lại bâng khuâng nhớ về trường xưa. Nhớ thầy! Nhớ cô!… Nhớ cả cái trống da trâu nơi hiên phòng truyền thống. Để rồi cái âm thang tùng… tùng… tùng… cứ như đang vang vang bên tai.

Còn nhớ, mỗi lần bác bảo vệ trường đưa tay lên ngang mày nhìn chiếc đồng hồ Seiko, là tiếp sau đó đám học sinh chúng tôi đành bỏ dở những trò chơi, vâng lệnh tiếng trống, ai về chỗ nấy chuẩn bị cho một tiết học mới. Chiếc dùi trống được dùng qua nhiều năm trở nên bóng nhoáng. Mặt trống nhẵn trơn một mảng lớn bằng chiếc đĩa to. Bác bảo vệ năm này qua năm khác, không chậm một li, không nhanh một khắc, đều phăng phắc những tiếng trống vào lớp, chuyển tiết, tan trường…

Nhiều hôm, cái xe đạp cà tang trở chứng trên đường đi học, tôi tới trường muộn. Tiếng trống đã điểm giờ vào lớp. Tôi đành phải ngậm ngùi quay về. Và cũng không ít giờ ra chơi, không để tâm tiếng trống, chúng tôi vào lớp muộn, cô giáo bắt đứng ngoài cửa sổ học bài. Thời ấy kỷ luật của nhà trường nghiêm lắm, nhờ thế mà chúng tôi luôn cố gắng để mình không tái phạm. Bởi tái phạm tới hai lần là thể nào cũng bị phê bình trước trường, và nhiều hơn thì phụ huynh phải tới trường xin mới được tiếp tục đến lớp.

Ngày khai trường, ngày lễ… chiếc trống trường tôi được trang hoàng đẹp hơn. Nó khệnh khạng trên chiếc giá gỗ, chờ dăm ba đứa học trò chúng tôi đến khiêng ra khán đài dự lễ. Những dịp đặc biệt như thế, nó thường được đón tiếp một quý vị quan chức cấp huyện, cấp Sở lên đánh những hồi rền vanh, thanh thoát.

Mỗi lần trường tổ chức cắm trại, lao động tình nguyện, hay hội khỏe phù đổng, tiếng trống lại được ngân lên cổ động. Từng hồi trống dồn dập, liên thanh, khiến cho không khí trở nên náo nhiệt, mọi người hăng hái hơn trong lao động, tăng tốc hơn khi thi đấu thể thao.

Mẹ tôi đi làm đồng, nghe tiếng trống trường làng đã biết thời gian sớm, muộn. Bà tôi lắng nghe tiếng trống tan trường ra đứng đầu ngõ đón những đứa cháu yêu đi học về. Những người bán rong ngang qua làng tôi, nghe tiếng trống tan trường tranh thủ nghỉ ngơi khi trời đứng bóng, hay kịp rời làng khi xế chiều…

Bây giờ, nhiều trường học không còn dùng trống để báo hiệu thời gian như trước kia. Phần vì có nhiều phương tiện kỹ thuật tân tiến hơn ra đời, phần vì để hạn chế tiếng ồn, người ta đã thay tiếng trống bằng những âm thanh khác. Thật tiếc cho những học trò không được nghe âm thanh của tiếng trống, thứ âm thanh vừa ấm, vừa trầm bổng, lan xa.

Những ngày của tháng mười một này, tôi muốn chạy thật nhanh về phía trường xưa. Để được nghe tiếng trống trường ngân từng hồi dóng dả. Được thầy nắm đôi bàn tay, xoa xoa mái đầu dặn dò những điều nhân, nghĩa …  Nhưng cuộc sống mưu sinh nơi đất khách quê người đã không cho phép tôi thỏa mãn được cái ước muốn nhỏ nhoi ấy. Tôi cứ đọc đi đọc lại những câu thơ của nhà thơ Chử Văn Long khi viết về tiếng trống, bâng khuâng nhớ lắm thầy ơi!

Sao không thể cùng về thăm thầy cũ.

Ôi, cái trống da trâu thay bọc lại bao lần

Giờ mới biết những hồi trống ấy.

Làm tóc thầy từng sợi bạc thêm nhanh”.

Đặng Thiên Sơn

Tháng Mười và những đoạn đường 5 phút

tranh

Tranh họa sĩ Elizabeth Patterson

Tháng Mười, gặp lại người bạn đã thất lạc suốt mười năm ròng không một tin nhắn, không một cánh thư… Mừng rơi cả nước mắt! Bạn nhắc về đoạn đường 5 phút của buổi tan trường năm nao nơi miền quê nghèo heo hút, có ánh nhìn trong vắt tuổi mười bảy tinh khôi, có những dỗi hờn vô cớ… Để rồi kí ức cứ ùa về vẹn nguyên như vừa tan lớp sáng thu nay.

Tháng Mười, bàng hoàng, lặng thinh cả mấy tiếng đồng hồ nơi góc cua cung đường Phủ Doãn, cúi mình 5 phút, nâng chiếc áo quan tiễn người em gái chưa qua tuổi hai mươi hồi hương trong bao nuối tiếc. Để rồi giật mình nhận ra cuộc sống đầy rẫy những bất an, mong manh và buồn quá!

Tháng Mười, 5 phút dong xe qua hầm Thủ Thiêm sau một năm chờ đợi chuyến chơi xa, cho thỏa cái ước mong khám phá miền đất phương Nam hào phóng. Những cuộc hẹn vội vàng, những cái nắm tay chưa đủ ấm đã nói lời biệt li…

Tháng Mười, bình yên trong một studio, cả gia đình tựa vào nhau 5 phút, lưu lại những tấm hình nhỏ nhắn xinh xinh. Con trai bước sang tuổi mới. Yêu thương đôi khi đến từ những khoảnh khắc ngắn ngủi, đời thường…

Tháng Mười, ngồi nghe một khúc tình ca về Mẹ, thấy heo may về đậu trên mái phố. Thương đôi tay gầy bươn bả chốn quê xa: Mẹ ơi bao giờ mới hết lấm tay bùn mẹ nhỉ? Để mùa thu trên khóe mắt không già.

Tháng Mười, li cà phê chớp nhoáng, thời gian đã cận năm rồi, còn bao việc dở dang chưa hoàn tất. Đôi khi cũng muốn nhởn nhơ với mùa, nhưng cuộc áo cơm khiến tính tình bực tức, vội vàng… rồi đổi thừa cho thời tiết đỏng đảnh khiến mình buồn, đau.

Tháng Mười, còn bao lời hẹn ước, có bao người đến rồi đi nhanh như chớp nhoáng. Ngạc nhiên đến bất ngờ. Tự nhủ mình nhớ ngang qua những cung đường ngạt ngào hoa sữa để thấy rõ hơn mùa thu trên đất kinh kì, lưu dấu những tháng ngày hội ngộ.

Tháng Mười, đọc thơ Du Nguyên “tự nhiên muốn ngồi bệt lại giữa đường”. Nhưng rồi chợt nhớ chỉ ít hôm nữa thôi bên kia sông cải sẽ trổ vàng, cái lạnh dắt nhau rong chơi phố vắng, yêu thương lại về, lét đét tiếng sợi len. Và thế là lại cuốn mình vào với guồng quay buồn – vui nhân thế.

Đặng Thiên Sơn

Ngày con trai chào đời

Cha đã chở mẹ tới bệnh viện từ chiều tối hôm qua. Bác sĩ bảo sức khỏe mẹ yếu nên không sinh thường được, phải sinh mổ, cha cứ chở mẹ đến bệnh viện sớm hơn dự đoán giờ con chào đời của bác sĩ phòng siêu âm hôm trước ghi trong sổ thai nhi cho chắc. Lỡ đâu con mong ngóng được gặp cha mẹ sớm hơn dự đoán thì cha mẹ biết quay thế nào. Trời đang là cuối thu, heo may lành lạnh, cha đã chuẩn bị cho con mấy bộ áo thu đông rồi. Tối qua mẹ con còn bỏ đủ thứ đồ lỉnh kỉnh vào chiếc làn nhựa nữa cơ. Chắc chắn khi con ra đời sẽ được mặc đẹp và không bị rét đâu.

1392642_546586128760635_1415185641_n

Beeline – Đặng Thiên Vĩnh

Đáng lý giờ này, cha phải ở bên mẹ và con, nhưng cha phải tới bến xe để đón ông nội ra với con, cho kịp thời khắc con chào đời. Quê mình xa lắm, bà nội và bà ngoại nay mai mới ra được với gia đình mình. Hôm nay, có ông nội ở bên là cha con mình  vững tâm rồi. Ông ra tới nơi là cha chở đến bên mẹ và con liền. Tối qua cha đã nghĩ ra từ để đặt tên cho con. Tên con là chữ “thủy” và thêm một dấu chấm trên đầu, sẽ không đụng hàng với ai trong nội, ngoại nhà mình cả, chắc con sẽ ưng cái tên ấy thôi, vì cha đã mất nhiều ngày nghiên cứu Đông Tây kim cổ để chọn ra nó. Cha chỉ mong muốn con trai mình mạnh khỏe, sau này giỏi giang nên mới nhọc công tìm tòi như thế. Với lại những cái tên đẹp người ta đặt hết cả rồi. Mà cái tên cũng quan trọng lắm con ạ, nó quyết định đến nhiều vấn đề của cuộc sống con sau này. Cha lan man một chút để thời gian trôi qua thật nhanh cho cha sớm được gặp con.

Trong đời cha chưa bao giờ hồi hộp và nóng lòng như thế này. Bác sĩ đã gọi mẹ con vào buồng mổ hơn cả tiếng đồng hồ, thế mà giờ vẫn chưa thấy con và mẹ đâu. Thương cho ông nội vượt cả trăm cây số ra tới nơi chưa kịp ăn uống gì đã thấp thỏm đi ra đi vào mong cháu đích tôn. Thấy khuôn mặt ông đăm chiêu, lo lắng, cha càng bối rối hơn. Không biết mẹ và con trong ấy thế nào? Người ta dùng kính mù cách âm làm cánh cửa, lại còn kéo kín ri đô nên cha chỉ dám đứng đây để ngóng con thôi. Cầu mong cho mẹ tròn con vuông! Ngày mai nhất định cha sẽ mua thật nhiều hoa hồng tặng mẹ vì đã tạo nên một kiệt tác tuyệt vời là con yêu. Ít phút nữa thôi, con sẽ nhìn thấy mẹ, thấy cha, thấy ông nội con và cả ánh sáng của cuộc đời này nữa.

Khi cha nghe tiếng con khóc, niềm vui sướng đã vỡ òa trong tim cha.  Cô y tá bế con lướt qua mặt cha và ông nội, phấn khởi nói: “Sướng nhé! Mẹ tròn con vuông! Con trai, nặng 2,9 kg.” Cha và ông nội nhảy cẫng lên như hai đứa trẻ được mẹ chia quà mỗi buổi chợ trưa, thế mới biết niềm hạnh phúc có con lớn như thế nào. Con được chuyển vào phòng sau sinh để các bác sĩ chăm sóc và chờ mẹ xuống truyền cho con những dòng sữa ngọt ngào. Cha và ông nội con không còn căng thẳng nhưng vẫn mong được gặp con lắm lắm. Mẹ con dù rất đau đớn nhưng cười rất mãn nguyện khi cha đến bên. Cha mách với mẹ là con yêu rất ngoan và dễ thương. Khóe mắt mẹ ứa ra những giọt nước mắt hạnh phúc. Bao nhiêu tháng ngày chờ đợi, chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau giờ cha mẹ đã có con trong đời. Còn gì vui hơn thế nữa…

Bác sĩ gọi cha vào viết giấy chứng sinh cho con. Cha đã viết hàng trăm bài báo, hàng ngàn bài văn, dạy bao lớp học trò, thế mà đặt bút viết giấy chứng sinh cho con tay run như cầy sấy, đầu óc cứ bung biêng như người say, khiến cô y tá cười cười làm cha thẹn đến đỏ hết mặt mày. Số 39 – là số sinh treo trên tay con, cha chờ cô y tá gọi vào bế con sang với mẹ. Cha được tường tận, được thấy con chúm chím đòi ăn, được bế con trên tay niềm vui ấm áp đến lạ kỳ. Cha trao con vào vòng tay ông nội. Ông nội nhìn con thật lâu. Từ nay, ông đã có cháu để bế bồng. Chỉ mấy tiếng đồng hồ thôi mà cả cha và ông nội đã được lên chức.

Nhà mình ở viện bốn hôm thì về nhà. Những ngày ở viện tuy cực nhưng mà vui. Con ít khóc hơn các bạn khác cùng buồng. Ai cũng khen con ngoan. Mẹ con lấy làm vui sướng lắm. Cha cứ đi đi về về mang cơm cho mẹ ăn để có thật nhiều sữa cho con. Ông nội đã về quê để báo cáo với tổ tiên ông bà và chia sẻ niềm vui với mọi người. Ông bảo sẽ cử bà nội ra trong nay mai để chăm sóc con và mẹ. Chẳng phải cử, bà nội cũng cuống lên ấy mà. Từ hôm con chào đời, trong nhật ký cuộc gọi đến điện thoại của cha, số điện thoại bà nội gọi nhiều lần nhất.

Từ nay con đã có mặt trên đời. Từ nay con sẽ là niềm vui, niềm hạnh phúc của cha mẹ và mọi người trong gia đình mình. Con sẽ mãi là tình yêu thương lớn nhất của cha và mẹ. Cha mẹ sẽ luôn bên con, chở che cho con nên người. 

 Đặng Thiên Sơn

Rút từ tuyển tập tản văn “Đường về xa lắm”.

Ngồi đợi mùa sang

mùa thu hà nộiMấy sáng gần đây, sẻ nâu đã về đậu trên cây trứng cá. Chúng nô đùa ríu rít từ sáng đến trưa. Trời xanh và cao hơn. Những lúc như thế, tôi thấy lòng nhẹ nhõm và bình yên đến lạ thường. Cảm giác ngồi một mình uống cà phê đợi chờ một điều gì đó thật là sảng khoái.

Những chiếc lá xoay xoay trong gió rồi đậu xuống lề đường, cứ hết chiếc này đến chiếc khác, xếp dày lên nhau. Tôi không là một họa sĩ nhưng vẫn liên tưởng khoảng lá rụng là một bức tranh trừu tượng thật đẹp. Không có những thực khách xung quanh chắc tôi đã không ngại ngần ùa ra đùa chơi với lá. Sự tưởng tượng hạn hẹp của mình về đám lá rụng đã khiến tôi cực kì hưng phấn.

Hàng hoa đi qua. Những bó hoa cúc trắng nằm khoe mình trên gác ba ga của chiếc xe đạp cũ kĩ. Người nông dân đang rướn mình vừa đạp, vừa rao hàng. Dưới nắng mai, những bông hoa chớm nở tinh khôi. Khoảnh khắc ấy nếu lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia, có khi bức ảnh chụp người nông dân chở hoa bán dạo sẽ là bức ảnh đẹp nhất mọi thời đại. Nhưng tiếc rằng chẳng có một nhiếp ảnh gia nào ngang qua, chỉ có tôi thôi, chăm chú nhìn như con nhái xanh thấy con mồi trước mắt.

Cái gã đánh giày sáng nay cũng thật vui tính. Cớ gì gã lại đưa chuyện quê ra mà kể cho người ta nhớ, người ta thương. Gã kể mùa này quê gã vàng ươm sắc nắng. Thế gã tưởng quê tớ không có nắng vàng hay sao? Mà kể chi cho xa. Kia kìa, những đốm nắng xuyên qua tán cây đang xếp thành mọi hình thù trên mặt đất. Gã bảo, nắng ấy yếu ớt quá. Mình quát thật to. Đẹp thế! Loang vàng như thế mà yếu sao? Gã nhếc môi cười ruồi mình rồi xin tiền công và lẫn vào cuối phố.

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã thức nhọn mọi giác quan để cảm mùa thu và để rồi nói với em: “Nắng úa dệt mi em/ và mây xanh thay tóc rối/ nhạt môi môi em thơm nồng/ tình yêu vương vương má hồng”. Để rồi khiến mình cũng sắc nhọn mọi giác quan để mà cảm nhận, để mà say đắm tình khúc ấy lúc mùa đang sang. Cái khoảnh khắc hiếm hoi này âm nhạc đã khiến lòng mình rạo rực và yêu đời hơn biết mấy. Aldous Huxley rất đúng khi phát biểu câu nói mà sau này người đời coi đó là danh ngôn: “Sau sự im lặng, thứ thể hiện được nhất điều không thể diễn tả chính là âm nhạc”.

Sẽ không hoàn hảo cho khoảnh khắc ngồi đợi mùa sang nếu thiếu vắng tình yêu. Tình yêu của đôi bạn trẻ đang tình tứ ở bàn cạnh tôi đang ngồi. Cô bé bẽn lẽn thỏ thẻ những lời yêu. Tôi ngồi sát bên vẫn không nghe rõ. Vậy mà cậu trai cứ gật đầu lia lịa. Đúng là tình yêu có tần số riêng. Bây giờ thì tôi không chối cãi điều ấy. Tần số riêng phát vào thời khắc này, không gian này, cảnh tượng này thì thật say đắm và ngọt ngào biết bao. Họ yêu nhau mà tôi cũng chênh chao. Thế mới biết sức mạnh của tình yêu như thế nào? Chả trách, xưa kia Đam Săn cứ quyết đòi đi bắt Nữ Thần Mặt Trời cho bằng được.

Ngồi đợi mùa sang nơi góc quán quen thấy lòng mình chộn rộn, thấy cuộc sống thật đáng để yêu thương, thấy mình như lạc vào cõi thần tiên hoa mộng.

Mùa thu đang gõ cửa trái tim tôi.

Đặng Thiên Sơn

(Rút từ tập tản văn “Đường về xa lắm”)