Trống trường…

Bản tin Trường THPT Bắc Yên Thành

Bản tin Trường THPT Bắc Yên Thành

Khi những chiếc lá bàng kết thảm trên những lối đi, tháng mười một lại về. Trời ngớt mưa. Dọc ngang các cung đường thành phố thấp thoáng tà áo dài nữ sinh bay bay trong gió. Lòng tôi lại bâng khuâng nhớ về trường xưa. Nhớ thầy! Nhớ cô!… Nhớ cả cái trống da trâu nơi hiên phòng truyền thống. Để rồi cái âm thang tùng… tùng… tùng… cứ như đang vang vang bên tai.

Còn nhớ, mỗi lần bác bảo vệ trường đưa tay lên ngang mày nhìn chiếc đồng hồ Seiko, là tiếp sau đó đám học sinh chúng tôi đành bỏ dở những trò chơi, vâng lệnh tiếng trống, ai về chỗ nấy chuẩn bị cho một tiết học mới. Chiếc dùi trống được dùng qua nhiều năm trở nên bóng nhoáng. Mặt trống nhẵn trơn một mảng lớn bằng chiếc đĩa to. Bác bảo vệ năm này qua năm khác, không chậm một li, không nhanh một khắc, đều phăng phắc những tiếng trống vào lớp, chuyển tiết, tan trường…

Nhiều hôm, cái xe đạp cà tang trở chứng trên đường đi học, tôi tới trường muộn. Tiếng trống đã điểm giờ vào lớp. Tôi đành phải ngậm ngùi quay về. Và cũng không ít giờ ra chơi, không để tâm tiếng trống, chúng tôi vào lớp muộn, cô giáo bắt đứng ngoài cửa sổ học bài. Thời ấy kỷ luật của nhà trường nghiêm lắm, nhờ thế mà chúng tôi luôn cố gắng để mình không tái phạm. Bởi tái phạm tới hai lần là thể nào cũng bị phê bình trước trường, và nhiều hơn thì phụ huynh phải tới trường xin mới được tiếp tục đến lớp.

Ngày khai trường, ngày lễ… chiếc trống trường tôi được trang hoàng đẹp hơn. Nó khệnh khạng trên chiếc giá gỗ, chờ dăm ba đứa học trò chúng tôi đến khiêng ra khán đài dự lễ. Những dịp đặc biệt như thế, nó thường được đón tiếp một quý vị quan chức cấp huyện, cấp Sở lên đánh những hồi rền vanh, thanh thoát.

Mỗi lần trường tổ chức cắm trại, lao động tình nguyện, hay hội khỏe phù đổng, tiếng trống lại được ngân lên cổ động. Từng hồi trống dồn dập, liên thanh, khiến cho không khí trở nên náo nhiệt, mọi người hăng hái hơn trong lao động, tăng tốc hơn khi thi đấu thể thao.

Mẹ tôi đi làm đồng, nghe tiếng trống trường làng đã biết thời gian sớm, muộn. Bà tôi lắng nghe tiếng trống tan trường ra đứng đầu ngõ đón những đứa cháu yêu đi học về. Những người bán rong ngang qua làng tôi, nghe tiếng trống tan trường tranh thủ nghỉ ngơi khi trời đứng bóng, hay kịp rời làng khi xế chiều…

Bây giờ, nhiều trường học không còn dùng trống để báo hiệu thời gian như trước kia. Phần vì có nhiều phương tiện kỹ thuật tân tiến hơn ra đời, phần vì để hạn chế tiếng ồn, người ta đã thay tiếng trống bằng những âm thanh khác. Thật tiếc cho những học trò không được nghe âm thanh của tiếng trống, thứ âm thanh vừa ấm, vừa trầm bổng, lan xa.

Những ngày của tháng mười một này, tôi muốn chạy thật nhanh về phía trường xưa. Để được nghe tiếng trống trường ngân từng hồi dóng dả. Được thầy nắm đôi bàn tay, xoa xoa mái đầu dặn dò những điều nhân, nghĩa …  Nhưng cuộc sống mưu sinh nơi đất khách quê người đã không cho phép tôi thỏa mãn được cái ước muốn nhỏ nhoi ấy. Tôi cứ đọc đi đọc lại những câu thơ của nhà thơ Chử Văn Long khi viết về tiếng trống, bâng khuâng nhớ lắm thầy ơi!

Sao không thể cùng về thăm thầy cũ.

Ôi, cái trống da trâu thay bọc lại bao lần

Giờ mới biết những hồi trống ấy.

Làm tóc thầy từng sợi bạc thêm nhanh”.

Đặng Thiên Sơn

Posted on 13.11.2014, in TẢN VĂN. Bookmark the permalink. Bình luận về bài viết này.

Bình luận về bài viết này